Đọc sách cùng con là một trong những phương pháp hữu ích giúp trẻ cảm thấy hứng thú với tiếng Anh. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng khi sử dụng phương pháp này, cần lưu ý một số điều sau:
1. Chọn sách
Nên chọn sách có nhiều hình ảnh, chữ in to, rõ ràng và nội dung sách phù hợp với sở thích của con. Hãy để ý xem con hứng thú với chủ đề nào: khủng long, búp bê hay công chúa để chọn sách cho hợp lý.
2. Tập đọc cùng con
Khi đọc "cho" con, đơn giản là bạn đọc, con nghe. Khi đọc "cùng" con, bạn giúp con cùng cắt nghĩa câu chuyện bằng cách đặt câu hỏi, liên hệ với thực tế xung quanh. Việc làm này giúp phần đọc trở nên sinh động, gần gũi, giúp con nắm bắt nội dung tốt hơn.
3. Thiết lập lịch cố định
Đừng vì bị con từ chối một vài lần mà bỏ cuộc. Trẻ con bây giờ được tiếp cận sớm với công nghệ, phim hoạt hình, đương nhiên chúng sẽ thấy hấp dẫn hơn sách. Vì vậy, tránh làm con xao nhãng bằng cách các thiết bị điện tử (tivi, điện thoại) xung quanh.
Xác lập thời gian cố định để đọc sách (ví dụ: 5-10 phút trước giờ đi ngủ), giống như việc đánh răng vậy. Lâu dần con sẽ chấp nhận việc này.
4. Cách đọc
Với sách tiếng Anh (loại kết hợp cả hình ảnh sinh động và chữ to dễ nhìn): Trong quá trình đọc, bạn hỏi con những câu như "Where’s the...?" (kết hợp tiếng Việt nếu thấy con ngơ ngác) hoặc "Show me the...".
Đừng nghĩ rằng bạn phải dùng tiếng Anh 100%. Tiếng Việt là nền tảng cực tốt để trợ giúp con trong việc hiểu những từ, nghĩa tiếng Anh phức tạp, khó hiểu. Điều này đặc biệt đúng cho những bé "ghét" tiếng Anh.
Ví dụ, khi nhìn ảnh con hổ uống sữa, bạn chỉ vào cái bình nói với con là "milk", nhưng con có thể chỉ hiểu "milk" là nước hoặc cái bình, mình có thể nói "milk - sữa" hoặc cao hơn là "drink milk" (uống sữa), như vậy sẽ giúp con củng cố khả năng hiểu.
Nhớ là khi đọc, bạn hãy dùng "baby talk", đọc chậm rãi, dễ hiểu, kết hợp sử dụng ngữ điệu và ngôn ngữ cơ thể (tạo ra âm thanh minh họa càng tốt).
Với sách tiếng Việt: Bạn vẫn có thể giúp con tiếp cận với tiếng Anh qua việc đọc sách tiếng Việt. Tôi có bộ sách "Tại sao con không nên...?", bao gồm series các truyện tranh dạy bé ở độ tuổi 3+ không nên ăn vạ, mè nheo. Bộ này không có tiếng Anh nhưng bố mẹ hoàn toàn có thể lồng ghép tiếng Anh (nếu bố mẹ có chút "vốn liếng" tiếng Anh).
Sau đây là đoạn hội thoại minh họa:
Mẹ (hoặc bố): Bạn Lan đòi mẹ mua đồ chơi, không được thì bạn lăn ra khóc "Oa Oa, không chịu đâu". (chỉ vào hình): "Where’s Lan?".
Con ngơ ngác.
Mẹ: "Bạn Lan đâu con? – Where’s she?".
Con: (chỉ vào hình).
Mẹ: "Right, she’s crying (Oa oa). What is she doing?"
Con (nói gì đó mẹ không hiểu lắm)
Mẹ: Right, she is crying. Bạn đang khóc đấy.
Bạn không cần nhồi quá nhiều từ mới cho con khi đọc, mỗi ngày một chút, con sẽ học từ từ.
Ngoài đọc sách, nếu có thể, hãy dành chút thời gian nói tiếng Anh hàng ngày cùng con và những thành viên khác trong gia đình, dù chỉ là trong vài phút. Đừng lo sợ khi tiếng Anh của bạn không chuẩn, vì con có rất nhiều nguồn để đối chiếu. Hãy để con thoải mái khám phá ý nghĩa của giao tiếp qua việc học tiếng Anh. Tiếng Anh luôn luôn là một công cụ để giao tiếp.
Hình ảnh hoạt động
Bài viết khác
Dấu chấm không chỉ để kết thúc câu mà còn được dùng trong các từ và tên viết tắt với những quy tắc cụ thể.